Chuyển đổi số trong đầu tư xây dựng (ĐTXD) là nội dung rất quan trọng, là xu hướng phát triển tất yếu chung trong việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghệ 4.0
Việc áp dụng những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin trong lĩnh vực xây dựng là giải pháp nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng công trình và tăng tính hiệu quả đầu tư xây dựng. Một trong những công nghệ ứng dụng hiệu quả là công nghệ BIM.
BIM viết tắt của Building Information Modeling, tiếng Việt là Mô hình thông tin công trình. BIM là một công nghệ mới, được phát triển dựa trên nền tảng công nghệ số giúp lĩnh vực thiết kế, xây dựng và quản lý công trình giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay. Có thể hiểu chung nhất, BIM là tiến trình tạo dựng và sử dụng mô hình kỹ thuật số cho cả vòng đời của dự án, từ giai đoạn bắt đầu, lập kế hoạch, thiết kế, thi công, cho đến cả giai đoạn vận hành, bảo trì và tháo dỡ công trình. Toàn bộ thông tin và dữ liệu liên quan của dự án được lưu trữ, khai thác và tự động hóa việc cập nhật khi có thay đổi hay hiệu chỉnh thông qua một mô hình thông tin thống nhất và được liên kết với nhau. Do đó, áp dụng BIM sẽ tối ưu hóa việc trao đổi thông tin, phối hợp giữa các bên tham gia, giúp trực quan hóa quá trình thiết kế, thi công và quản lý công trình đảm bảo chất lượng công trình và nhiều lợi ích trong quá trình quản lý vận hành công trình sau này.
Tại Việt Nam, việc áp dụng BIM trong thiết kế, thi công xây dựng và quản lý vận hành công trình đã được thí điểm triển khai từ cuối năm 2016. Hiện nay, BIM chính thức được đưa vào Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về QLDA đầu tư xây dựng; Bộ Xây dựng cũng đã có Quyết định số 348/QĐ-BXD ngày 02/4/2021 về việc Công bố Hướng dẫn chung áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) đối với công trình dân dụng và công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị. Định hướng phát triển BIM và tầm nhìn đến năm 2025 của ngành xây dựng là: Năm 2023 sẽ ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn áp dụng BIM thiết kế kiến trúc, kết cấu, hạ tầng, cơ điện; Năm 2025, khoảng 10% dự án xây dựng được triển khai trên nền tảng BIM, Bộ Xây dựng tiếp nhận hồ sơ thiết kế trên nền tảng BIM để thẩm định bằng hình thức trực tuyến (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4); Năm 2030, các dự án đầu tư xây dựng được triển khai trên nền tảng BIM khoảng 20%, tất cả các hồ sơ thẩm định tại Bộ xây dựng hoặc các cơ quan chuyên môn về xây dựng ở địa phương đều có thể thực hiện trực tuyến ở mức độ 4; nhân rộng mô hình doanh nghiệp số đã được thí điểm thành công ở giai đoạn 2020-2025.
CTA (tổng hợp)